9 sự thật về khan hiếm nước trên toàn cầu

9 sự thật về khan hiếm nước trên toàn cầu
Tuesday,
27/12/2022
Đăng bởi: CÔNG TY TNHH ĐỨC TRÂN

Khoảng 70% hành tinh được bao phủ bởi nước, nhưng con người chỉ có thể uống 2,5% trong số đó, theo National Geographic.

Nước có thể tái tạo, nhưng không phải nguồn tài nguyên vô hạn. Ô nhiễm, biến đổi khí hậu... không được kiểm soát đều góp phần gây ra tình trạng thiếu nước trên toàn thế giới. Dưới đây là 9 sự thật về khan hiếm nước từ góc độ nhân quyền.

Con người chỉ có thể tiếp cận một phần nhỏ lượng nước trên thế giới

Khoảng 70% hành tinh được bao phủ bởi nước, nhưng con người chỉ có thể uống 2,5% trong số đó. Phần lớn nước trên thế giới là nước đại dương. Theo National Geographic, 1% trong số 2,5% có thể uống được rất dễ tiếp cận. Phần còn lại là ở các cánh đồng tuyết và sông băng.

Hơn 2 tỷ người không được tiếp cận dịch vụ nước an toàn

Theo một báo cáo của WHO và UNICEF năm 2019, 2,2 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. 144 triệu người uống nước bề mặt chưa qua xử lý, dễ gây bệnh tật, đặc biệt là những người nghèo ở nông thông có nguy cơ cao nhất.

Một phần tư dân số thế giới đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) từng công bố Bản đồ rủi ro nguồn nước Aqueduct (Aqueduct Water Risk Atlas) nhằm giúp các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như chính phủ đánh giá những sự rủi ro về nguồn nước trên toàn thế giới. Bản đồ Aqueduct của WRI phát hiện ra rằng có 17 quốc gia, chiếm một phần tư dân số thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao, bao gồm: Qatar, Israel, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Saudi Arabia, Eritrea, United Arab Emirates, San Marino, Bahrain, India, Pakistan, Turkmenistan, Oman, Botswana.

Một đứa trẻ ở Tanzania đang thu gom nước bị ô nhiễm từ một cái ao.

Một đứa trẻ ở Tanzania đang lấy nước bị ô nhiễm từ một cái ao. Ảnh: lifewater

Thế giới đang cạn kiệt nước

Do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, nguồn cung cấp nước có thể uống được trên thế giới đang nhanh chóng cạn kiệt. Ngành nông nghiệp sử dụng hầu hết nước trên thế giới và lãng phí một lượng lớn nước. Hơn 5 tỷ người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào năm 2050 nếu mọi thứ không thay đổi, theo nature.

Thiếu nước sạch dẫn đến cái chết của hàng triệu trẻ em

Các bệnh do nước là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo UNICEF, tình trạng thiếu nước sạch dẫn đến cái chết của 1,6 triệu trẻ em mỗi năm. Hầu hết những đứa trẻ này sống ở các quốc gia đang phát triển và dưới 5 tuổi. Hậu quả sức khỏe của nước bị ô nhiễm bao gồm các vấn đề về dạ dày, tiêu chảy, mất nước và tử vong. Người lớn cũng phải chịu ảnh hưởng của nước không sạch. Khi vi khuẩn Vibrio cholerae làm ô nhiễm nước, những người uống nó sẽ bị mắc bệnh tả. Bệnh tả giết chết khoảng 21.000-143.000 người mỗi năm.

Hàng triệu người Mỹ không có hệ thống nước tốt

Sự khan hiếm nước sạch không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển. Tại Mỹ, có hơn 30 triệu người sống trong các khu vực mà hệ thống nước không tuân theo các quy tắc an toàn cơ bản. Năm 2017, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ đã xếp hạng "D" cho cơ sở hạ tầng nước uống của quốc gia này. Nhóm ước tính rằng Mỹ cần chi một nghìn tỷ USD trong 25 năm tới để nâng cấp.

3 tỷ người không có điều kiện rửa tay với nước xà phòng tại nhà

3 tỷ người, hay cứ 5 người trên toàn thế giới thì có hai người không có điều kiện rửa tay với nước và xà phòng ở nhà, trong đó có gần 3/4 số người sống ở những quốc gia nghèo nhất.

Nhu cầu sử dụng nước sạch tăng mạnh trên toàn cầu

Lượng nước sạch được sử dụng trên toàn cầu đã tăng gấp sáu lần trong 100 năm qua và đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 1% mỗi năm kể từ những năm 1980.

Liên hợp quốc công nhận nước là quyền của con người

Năm 2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận rằng tiếp cận nước và vệ sinh là quyền của con người. Trong nghị quyết của mình, Liên hợp quốc tuyên bố rằng mọi người phải có từ 50-100 lít mỗi ngày; nước phải an toàn và không được quá 3% thu nhập của hộ gia đình. Nước uống được cũng phải cách nhà không quá 1 km (30 phút). Vì vậy, cần có nhiều cải tiến để biến những nguyên tắc này thành hiện thực cho tất cả mọi người.

Ngọc Minh

Nguồn: https://vnexpress.net/9-su-that-ve-khan-hiem-nuoc-tren-toan-cau-4508400.html

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Zalo
Hotline
Công Ty TNHH Đức Trân