Cơ hội lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện Net Zero

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện Net Zero
Friday,
16/09/2022
Đăng bởi: CÔNG TY TNHH ĐỨC TRÂN

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện Net Zero

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - Khánh Ly (thực hiện) - 08:31 15/09/2022

(TN&MT) - Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu: Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Đối với doanh nghiệp Việt, việc tham gia tiến trình Net Zero có nhiều thách thức, nhưng sẽ đi kèm với cơ hội nhận được nhiều lợi ích lớn hơn từ xu hướng chuyển dịch “xanh” trên thế giới và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 

Để rõ hơn về vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị đại diện cho khối doanh nghiệp của một trong những khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước.

3-1-.jpg

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh

PV: Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã và đang tham gia Net Zero ở mức độ nào?

Ông Nguyễn Hữu Nam: Trước hết, cần phân biệt rõ hai loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp lớn thường đi tiên phong và một phần đã hưởng ứng việc tham gia Net Zero như Nike, Adidas, Unilever, HSBC, Epson, Coca Cola, Intel, Vinamilk, Vsip 3, Vinfast… Họ bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ có số ít hưởng ứng, trong khi khối này chiếm tới 96,7% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Do hạn chế về nguồn lực (cả tài chính lẫn nhân lực), các doanh nghiệp này thường sử dụng máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu, mô hình sản xuất kém hiệu quả… Đây là nguyên nhân quá trình sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo nhiều chất thải, phế thải, khí thải ra môi trường.

Với tỷ lệ 96,7%, nếu các doanh nghiệp này tham gia Net Zero sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình trong ngành dệt may, hiện có trên 50% doanh nghiệp đã tham gia chương trình xanh hóa ngành dệt may do Hiệp hội Dệt may Việt Nam khởi xướng từ năm 2018, đặc biệt khu vực TP.HCM đã triển khai rất mạnh.

Điều đáng mừng là hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ, năng lượng chính là chìa khóa của mọi vấn đề. Họ chủ động tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp tiết kiệm năng lượng, như sử dụng đèn LED, điều hòa Inverter, thiết bị cảm biến ánh sáng… Các doanh nghiệp miền Trung và miền Nam có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, điện mặt trời áp mái. Trong số đó, mặc dù có doanh nghiệp không hẳn ý thức tham gia Net Zero mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận, tuy nhiên, phần nào đã hướng đến mục tiêu này.

Đương nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có thời gian chuyển đổi và cần được hỗ trợ, trước tiên là hỗ trợ về thông tin, nâng cao nhận thức. Nếu doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ về Net Zero, khi Nhà nước ban hành chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn hay giảm phát thải khí nhà kính… họ sẽ bị vướng ngay. Khi đó mới gấp rút chuẩn bị thì chắc chắn sẽ tốn kém thêm chi phí.

PV: Yếu tố nào tác động chủ yếu đến sự chuyển dịch của doanh nghiệp khi thực hiện Net Zero, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nam: Theo tôi, có hai yếu tố tác động lớn nhất là chính sách của Nhà nước và khách hàng. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có các quy định về trách nhiệm xử lý rác thải, nước thải, phế liệu, phế thải cũng như rác thải sau sử dụng. Thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến 2050, các bộ, ngành, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách để giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến 2050.

Chính sách ở Việt Nam còn cần thời gian để có hiệu lực, song hiện nay, nhiều nhãn hàng quốc tế đang xây dựng hành động đóng góp vào mục tiêu Net Zero, thông qua việc đề nghị các nhà sản xuất/gia công phải sử dụng năng lượng tái tạo ở mức 30% trong tổng nhu cầu sử dụng điện năng. Nếu không đáp ứng được yêu cầu thì không thể ký kết hợp đồng. Có thể thấy, chưa cần chờ đến khi có chính sách bắt buộc thực hiện, đôi khi áp lực từ thị trường sẽ buộc doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại, phát triển.

Mặc dù vậy, tôi nhấn mạnh rằng, cơ hội đến từ chính những thách thức. Doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển để cải tiến, đổi mới mô hình sản xuất. Doanh nghiệp giảm phát thải càng nhiều sẽ tạo ra uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp đó, giúp tăng sức cạnh tranh và trở thành tiền đề phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

3-2-.jpg

Một khu công nghiệp mang hình hài công viên sinh thái

PV: Ông từng đề cập vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp hạn chế về nguồn lực, vậy trong thời gian các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, doanh nghiệp cần làm gì để tham gia vào thực hiện Net Zero, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nam: Khi ta chưa thể làm điều gì thì dễ dàng nhất là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là ưu tiên cao nhất để thúc đẩy thực hiện mục tiêu Net Zero. Xu hướng này không cần bất kì sự tác động nào bởi nó đánh vào túi tiền của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu nhằm tăng cường nhận thức, tăng cường năng lực giảm phát thải. Bản thân VCCI, với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã rất tích cực góp ý xây dựng chính sách và truyền tải chính sách đến doanh nghiệp. Thời gian gần đây, VCCI đã giúp nhiều doanh nghiệp không cần bỏ chi phí đầu tư mà vẫn có thể sử dụng năng lượng mặt trời. Chúng tôi kết nối các công ty lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời áp mái. Doanh nghiệp muốn sử dụng chỉ cần có diện tích mái nhà xưởng, còn các nhà đầu tư sẽ gắn thiết bị và bán năng lượng cho chính doanh nghiệp với giá thành thấp. Như vậy, dù nguồn lực hạn chế nhưng doanh nghiệp vẫn có thể chung tay phát thải ròng bằng “0”. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích mở rộng hơn hoạt động này.

Trên hết, chính bản thân người đứng đầu cần chủ động định hướng doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển dịch này, tập trung vào những giải pháp dễ nhất và có thể thực hiện ngay.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ tài chính xanh cũng cần được thiết kế để doanh nghiệp có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tránh tình trạng quy định nhận hỗ trợ quá chặt chẽ như hiện nay khiến doanh nghiệp ngại ngần và bỏ qua nguồn lực đáng kể này.

Nguồn: Báo điện tử bộ Tài Nguyên và Môi Trường 

https://baotainguyenmoitruong.vn/co-hoi-lon-cho-doanh-nghiep-khi-thuc-hien-net-zero-343698.html

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Zalo
Hotline
Công Ty TNHH Đức Trân