Đoàn công tác thành phố vừa có chuyến thăm và làm việc với các đối tác trong lĩnh vực tài chính, khoa học công nghệ tại Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Qua đó, thành phố xúc tiến đầu tư nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình mới mà Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện.
![]() |
Đà Nẵng đang xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do... TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ |
Trao đổi, tham vấn kinh nghiệm
Cuối tháng 2, đoàn công tác thành phố do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng làm trưởng đoàn đã làm việc tại UAE với nhiều đối tác: Ban lãnh đạo Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC), Ban lãnh đạo Khu kinh tế tự do Dubai CommerCity, Ban Quản lý Expo City Dubai, Công ty Phát triển hạ tầng Nakheel, Công ty Luật Al Tamimi & Co, Công ty Luật Habib Al Mulla & Partners.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo thành phố cho biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tại Việt Nam thí điểm xây dựng khu thương mại tự do; đồng thời cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được lựa chọn là địa điểm phát triển mô hình trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan cho hoạt động của các mô hình này tại Việt Nam, bên cạnh đó, việc tham vấn kinh nghiệm xây dựng cơ chế tài phán, khung pháp lý và mô hình phát triển phù hợp cho Đà Nẵng là “mắt xích” quan trọng để bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ pháp luật quốc tế.
Tiếp nối chương trình làm việc, đầu tháng 3, đoàn công tác làm việc với nhiều đối tác tại Singapore như Raffles Family Office, KPMG Singapore, Tập đoàn Vistra, Tập đoàn ExxonMobil, CITIC CLSA (Tập đoàn tài chính CITIC Securities), Yuanta Securities Asia Financial Services, CGS Securities International, Tập đoàn Portcullis, Tập đoàn Lobb Heng, Tập đoàn OUE, Ngân hàng Singapore, Ngân hàng Maybank (Malaysia), Ngân hàng UOB, Ngân hàng ANZ, cảng Westport (Malaysia), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS), Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS)…
Đây đều là những tập đoàn, đơn vị giàu kinh nghiệm, danh tiếng trên nhiều lĩnh vực mà Đà Nẵng đang quan tâm, chú trọng phát triển như tài chính, thương mại, logistics, khoa học công nghệ. Qua 35 cuộc làm việc trong 7 ngày chính thức, lãnh đạo thành phố chia sẻ những định hướng quan trọng về các dự án trọng điểm của Đà Nẵng.
Cụ thể, Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) gắn với đổi mới sáng tạo. Mô hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển, tập trung cho 3 nhóm dịch vụ: các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh.
Qua đó, hướng đến cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế, ngoài ra huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, xây dựng Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính của quốc gia, khu vực.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam, tập trung vào thúc đẩy xuất khẩu giá trị gia tăng, logistics thông minh và sản xuất thế hệ mới.
Dự án phát triển sẽ bao gồm: Trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng tiên tiến tập trung vào các ngành bán dẫn, công nghệ sinh học, thiết bị y tế và năng lượng tái tạo; logistics đa phương thức và thương mại toàn cầu, tích hợp liền mạch với cảng Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng, nâng cao khả năng kết nối thương mại khu vực và hiệu quả chuỗi cung ứng của Việt Nam với thế giới; kinh tế số và ngành công nghiệp thông minh, cụ thể là một hệ sinh thái chuyên biệt cho trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thương mại điện tử và công nghệ chuỗi khối blockchain.
Như vậy, mô hình vận hành của Khu thương mại tự do Đà Nẵng mang tính đa chức năng và hướng đến công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Gắn liền với Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển quốc tế theo định hướng cảng xanh, cảng thông minh. Cảng Liên Chiểu nằm ngay trên luồng hàng hải quốc tế, khoảng cách từ cảng đến luồng hàng hải quốc tế 7,3km; về đường bộ kết nối từ cảng đến hệ thống giao thông quốc gia 4km; kết nối trực tiếp hệ thống đường sắt quốc gia 1,5km.
Thành phố đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung kết nối đến cổng cảng và tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối từ cảng đến các phân khu chức năng của Khu thương mại tự do. Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kho bãi, trở thành địa điểm trung chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, qua đó phát triển các sàn giao dịch hàng hóa trong tương lai. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho thương mại hàng hóa mà còn góp phần cung cấp nguồn lực cho các dự án lớn trên địa bàn thành phố và cả khu vực trong các lĩnh vực.
![]() |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) trao đổi bên lề “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2025” tại Singapore. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÁC |
Nỗ lực xúc tiến đầu tư
Điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác của lãnh đạo thành phố là sự kiện “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2025” do UBND thành phố phối hợp Tập đoàn Terne Holdings tổ chức ngày 3-3 tại Singapore. Diễn đàn nhằm giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào các dự án trọng điểm, mang tính động lực của thành phố như trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do và cảng biển quốc tế Liên Chiểu; đồng thời, tiếp nhận các ý kiến góp ý, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm triển khai các dự án hiệu quả và thành công trong thời gian đến.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Phước Anh nhận định, Đà Nẵng đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng như đang đón nhận những tiến bộ khoa học để thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế ở Đông Nam Á, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa tầm nhìn này bằng cách tạo ra các cơ hội thúc đẩy giá trị trong lĩnh vực tài chính.
Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trao đổi chi tiết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về mô hình phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng. Cụ thể, Đà Nẵng có hai định hướng chiến lược để xây dựng trung tâm tài chính.
Thứ nhất là tài chính xanh, sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong nhiều lĩnh vực và hợp tác trong các dự án tín chỉ cácbon, phát huy tiềm năng của hệ sinh thái vùng miền Trung Việt Nam. Sau khi Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững. Thứ hai là về số hóa, thông minh và đổi mới.
Các giao dịch tài chính hiện nay và trong tương lai chủ yếu là giao dịch số, giao dịch điện tử nên Đà Nẵng sẽ quy hoạch và xây dựng cơ sở vật chất phù hợp như các trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng an ninh mạng, hệ thống cáp quang biển, phát triển 5G, 6G. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ phát huy hệ sinh thái các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung và hệ sinh thái liên quan và định vị trung tâm tài chính quốc tế dựa trên đổi mới sáng tạo gắn với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới fintech trong khu vực. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam triển khai thành lập khu thương mại tự do. Đây là một phần rất quan trọng trong hệ sinh thái tài chính của Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Thông qua thúc đẩy cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới và tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng và các đối tác trong khu vực sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng để phát huy các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý Đà Nẵng và các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.
Bên cạnh “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2025”, tại các buổi tiếp và làm việc với các đối tác tại UAE và Singapore, lãnh đạo thành phố đề xuất các bên tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thời gian đến, đặc biệt trong triển khai chương trình đào tạo, trao đổi cán bộ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức vận hành trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do; gửi lời mời các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Các đối tác đều đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng thời gian qua, nhất là những bước tiến trong xây dựng hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đà Nẵng đang nổi lên như một trung tâm kinh tế quan trọng tại miền Trung Việt Nam, với tiềm năng lớn để phát triển thành một trung tâm tài chính- công nghệ của khu vực.
Ông Andy Khoo, Giám đốc điều hành Tập đoàn Terne Holdings, đánh giá Đà Nẵng có vị trí gần các tuyến thương mại quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng với các cảng lớn như Tiên Sa và Liên Chiểu giúp Đà Nẵng trở thành một trung tâm tự nhiên cho tài chính thương mại.
Mặt khác, Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu tài chính thương mại cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới. Với vị trí chiến lược trên khu đất rộng gần 20ha, Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ định vị Đà Nẵng như một cổng tài chính quan trọng, thu hút các nhà đầu tư toàn cầu và củng cố vai trò của thành phố trong ngành tài chính đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Ông Andy Khoo kỳ vọng Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm tài chính lớn tiếp theo của ASEAN trong tương lai gần.
Có thể nói, chuyến công tác của lãnh đạo thành phố tại UAE, Singapore có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu Đà Nẵng đã đề ra. Thành phố đang hướng đến phát triển tài chính xanh, tài chính công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn luân chuyển tại trung tâm tài chính, song song là chuẩn bị cả hạ tầng cứng và mềm.
Cùng với điều kiện môi trường sống đang không ngừng cải thiện sẽ mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học đến sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tất cả các yếu tố này kết hợp với nhau để tạo ra một hệ sinh thái tài chính sáng tạo, bền vững và kết nối cho Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, qua đó góp phần nâng cao vị thế của quốc gia nói chung và là động lực tăng trưởng, tạo không gian phát triển mới đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm lớn về thương mại dịch vụ và công nghệ quốc tế.
Nguồn: MAI QUẾ - Báo Đà Nẵng