(TN&MT) - Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước “tham vọng” xây dựng thành phố tuần hoàn. Những tiêu chí, yêu cầu đặt ra cho mô hình sẽ rất khắt khe về: Quản lý chất thải rắn; nguyên liệu, năng lượng, khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn lương thực thực phẩm, tuần hoàn nước và công dân tiêu dùng xanh, mảng xanh đô thị… làm tiền đề để địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Tiên phong xây dựng kinh tế xanh
Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (Đà Nẵng) là 1 trong 3 KCN đầu tiên trên cả nước triển khai các hoạt động thí điểm chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái, thực hiện cộng sinh công nghiệp. Nhà máy giấy Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh) là một trong những điển hình của doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn. Ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc Nhà máy giấy Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh) cho biết, thay đổi lớn nhất chính là triết lý phế phẩm là tài nguyên, tức là toàn bộ nguyên liệu sản xuất của Công ty trước đây vốn từ cây, từ rừng, nay được thay thế bằng phế thải của các doanh nghiệp khác.
“Tân Long thường xuyên thay đổi, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để sản phẩm vừa đạt chất lượng cao, vừa sản xuất sạch hơn, tăng tỷ lệ thành phẩm và giảm thiểu lượng phế thải. Hiện nay, mỗi ngày với khoảng 70 tấn giấy sản xuất thành phẩm, Công ty chỉ thải ra trung bình là 1,5 tấn rác thải, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng.” - ông Thống chia sẻ.
Theo báo cáo của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, qua 5 năm triển khai thực hiện, tại KCN Hòa Khánh, dự án đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó, 228 giải pháp đã được thực hiện, ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm, giảm gần 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, qua đánh giá cho thấy, có nhiều lý do để việc chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho TP. Đà Nẵng là cần thiết. Từ đó, thành phố đã triển khai dự án “Nghiên cứu xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng“. Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP. Đà Nẵng được cập nhật trên cơ sở tiếp thu các văn bản liên quan gắn với Luật Bảo vệ môi trường 2020, bổ sung bài học kinh nghiệm từ thử nghiệm chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nhận thức tầm quan trọng của hệ thống thu gom rác phi chính thống trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của TP. Đà Nẵng.
Nhiều thách thức
Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2 - 3 KCN đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 - 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn…
PGS TS. Trần Văn Quang - Giảng viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho rằng, thách thức trong xây dựng kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng hiện nay là vấn đề xử lý rác thải. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn được thành phố đầu tư khá đồng bộ, tỷ lệ thu gom đạt 87% tổng lượng rác, tuy nhiên công nghệ chủ yếu vẫn là chôn lấp. Với bài toán trước mắt, các hố chôn lâp đang bị lấp đầy dần thì vấn đề đặt ra là phải giải quyết được rác thải sinh hoạt.
“Hiện nay công tác phân loại chất thải rắn của Sở TN&MT đang triển khai nhưng áp lực vẫn còn khá lớn. Chúng ta phải hướng đến việc phân loại chất thải đốt phát điện và chất thải không đốt được để giảm tỷ lệ chôn lấp” - PGS TS. Trần Văn Quang nêu ý kiến.
Tại Tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Luật Bảo vệ môi trường 2020 hướng tới phát trển bền vững”, ông Đậu Hương Nam - Thư ký Ủy viên Bộ Chính trị cho rằng, kinh tế tuần hoàn là một mô hình cụ thể để thực thi phát triển bền vững với 3 trụ cột gồm kinh tế - xã hội - môi trường. Là địa phương có nhiều lợi thế trong công tác bảo vệ môi trường, Đà Nẵng đã có đầy đủ định hướng, nghị quyết xây dựng kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, thách thức hiện nay là vấn đề chính việc thực thi như thế nào. Điều cần nhất chính là ý chí và sự quyết tâm của chính quyền Đà Nẵng với “tham vọng” thành phố tuần hoàn vào năm 2030.
“Tôi thấy Đà Nẵng đang triển khai mô hình cộng sinh ở các KCN rất tốt và đây là mô hình cộng sinh tiềm năng mà chính quyền thành phố cần suy nghĩ để nhân rộng ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn như du lịch. Vì hiện nay, mỗi năm địa phương đón một lượng khách du lịch rất lớn, lượng phát thải ra môi trường cao. Theo tôi, để xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn, đầu tiên lãnh đạo thành phố phải có sự quyết liệt và ý chí để thực hiện, cái thứ hai cần là nguồn lực và thứ ba là yếu tố kỹ thuật. Nhà nước phải làm được hạ tầng cho mạng lưới cộng sinh. Doanh nghiệp có thể làm nhưng không thể tạo thành tính hệ thống được.” - ông Đậu Hương Nam đề xuất.
Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, để thay đổi được quan điểm, thói quen nền kinh tế tuyến tính đang vận hành thì cần rất nhiều nguồn lực. Do vậy, từng bước xây dựng kinh tế xanh, giảm thiểu rác thải là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp và người dân thay đổi tư duy tạo nên giá trị cốt lõi để thực hiện mục tiêu “Thành phố môi trường”.
Nguồn: Lan Anh - Báo Tài Nguyên Và Môi Trường
https://baotainguyenmoitruong.vn/da-nang-tung-buoc-xay-dung-thanh-pho-tuan-hoan-362380.html