Đà Nẵng bắt đầu chững lại sau "những bước tiến dài", do vậy dự án cảng Liên Chiểu là động lực dài hạn cho thành phố thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội.
Sáng 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở Khu dân cư 10, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu sau khi kiểm tra thực tế tiến độ dự án cảng Liên Chiểu dưới chân đèo Hải Vân. Đây là khu dân cư gần biển, ga đường sắt Kim Liên, nơi thành phố đang triển khai dự án cảng.
Nói chuyện với người dân, ông Huệ cho hay Liên Chiểu theo quy hoạch là cảng nước sâu loại I có vị trí quan trọng, điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây quốc tế, cửa ngõ của cả miền Trung.
Công suất tính toán của cảng đến năm 2045 lên đến 100 triệu tấn hàng hóa thông qua một năm. Khi đi vào sử dụng, bến tàu tổng hợp của cảng có quy mô 100.000 tấn, bến cảng container 200.000 tấn. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiếm có cảng nào trong thành phố có quy mô như Cảng Liên Chiểu. Nhà nước sẽ đầu tư 3.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng dùng chung, kêu gọi đầu tư đồng bộ cảng này.
"TP Hải Phòng thu ngân sách hơn 100.000 tỷ đồng một năm nhờ vào cảng. TP HCM thu xuất nhập khẩu mỗi năm 140.000 tỷ đồng cũng nhờ có cảng. Còn TP Đà Nẵng chỉ loanh quanh ở mức vài chục ngàn tỷ đồng", ông Huệ nói, cho hay 10 tháng qua, thành phố thu ngân sách chỉ 18.000-19.000 tỷ đồng. Do vậy, cảng Liên Chiểu sẽ giúp tăng thu ngân sách và là một trong những động lực dài hạn cho Đà Nẵng thời gian tới.
Khu dân cư Hiệp Hòa Bắc có tổng số hồ sơ phải giải tỏa của dự án là 255, trong đó có 40 hồ sơ đất ở, 196 hồ sơ đất nông nghiệp; 19 hồ sơ đất khác. Phản ánh tới Chủ tịch Quốc hội, nhiều hộ dân cho biết giá trị đền bù đất, nhà, vật kiến trúc khác, không đủ tiền để nộp tiền đất tái định cư và xây dựng lại nhà ở. Trong khi đó, bà con không thuộc diện được nợ tiền đất tái định cư theo quy định.
Ngoài ra, một số hộ đông nhân khẩu, ba thế hệ sinh sống, bị thu hồi đất nhưng được bố trí một lô tái định cư hoặc một căn hộ chung cư nên rất chật chội, không đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Ghi nhận ý kiến, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu địa phương chăm lo hơn nữa đời sống nhân dân trong vùng, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng vì phải giải tỏa để nhường đất cho dự án. Đồng thời, chính quyền cần quan tâm sinh kế của người dân khi thực hiện dự án, chuyển đổi từ nghề nông, ngư nghiệp sang dịch vụ logistics, nghề thủ công... để nâng cao thu nhập.
Cho rằng khi thi công dự án không tránh khỏi vướng mắc, phát sinh và ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ông đề nghị người dân "chung tay, đồng thuận với chính quyền địa phương trong thực hiện dự án".
Dự án Cảng Liên Chiểu có diện tích 450 ha, gồm 8 bến container tiếp nhận tàu 30.000-200.000 DWT; 6 bến tổng hợp tiếp nhận tàu 30.000-100.000 DWT; 1.200m bến thủy nội địa và 6 bến hàng lỏng, khí; công suất khai thác đạt 50 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 khoảng 3.000 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương.
Dự án khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Khi Cảng Liên Chiểu đi vào khai thác sẽ giảm tải cho Cảng Tiên Sa hiện hữu (dự kiến chuyển đổi chuyên phục vụ tàu du lịch), đồng thời giảm áp lực vận tải trong nội đô.