Rác thải nhựa trên biển không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản mà còn phân rã thành vi nhựa rồi thâm nhập vào hải sản và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trước mối lo đó, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đang vận động ngư dân giảm thiểu việc thải bỏ rác thải nhựa xuống biển và giảm thiểu sử dụng ngay từ trên bờ để hạn chế khối lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, trôi ra biển.
Ngư dân phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) thu gom rác thải nhựa trên sông Phú Lộc. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trong quá trình đánh bắt hải sản, nhiều loại rác thải nhựa do ngư dân thải bỏ xuống biển như vỏ chai nước bằng nhựa, bao ni-lon đựng thực phẩm, túi đựng hải sản, vật dụng sinh hoạt... Đặc biệt, nhiều tàu cá cũng vứt bỏ hoặc bỏ quên ngư lưới cụ, một loại rác thải nhựa trên biển gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Trước thực trạng trên, vào tháng 3-2021, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (ban quản lý), Đồn Biên phòng Sơn Trà, Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang phối hợp thực hiện biện pháp bắt buộc ngư dân thu gom, bỏ rác trên tàu vào bao hoặc thùng đựng rồi bàn giao rác cho ban quản lý khi cập cảng để cân rồi cấp phiếu chứng nhận đã nộp rác. Tờ phiếu nộp rác là một trong những giấy tờ bắt buộc ngư dân phải trình Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang khi làm thủ tục xuất bến để ra khơi khai thác hải sản.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9-2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê phối hợp Phòng Kinh tế quận và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tập huấn nâng cao nhận thức về rác thải nhựa đại dương, hướng dẫn phân loại rác cho hàng trăm ngư dân các phường trên địa bàn quận. Đồng thời kêu gọi ngư dân đưa rác về bờ, không thải bỏ các loại rác thải nhựa trên biển. Việc ngư dân chung tay giảm thiểu rác thải nhựa sẽ góp phần hiện thực cam kết giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường của quận Thanh Khê trong giai đoạn 2021-2025. Mới đây, UBND phường Thanh Khê (quận Thanh Khê) phối hợp Hội Nông dân phường tổ chức ra mắt Tổ ngư dân khai thác thủy sản ven bờ thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa trên biển với 25 thành viên nòng cốt.
Ông Nguyễn Văn Thu (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), chủ tàu cá ĐNa 820136 TS cho hay: “Không chỉ 25 thành viên nòng cốt, chúng tôi sẽ vận động hơn 80 chủ tàu, thuyền khác cùng chung tay giữ gìn môi trường sạch, đẹp trên biển và sông Phú Lộc, đặc biệt là không thải các loại rác thải nhựa và chất thải rắn khó phân hủy trên sông, biển. Chúng tôi cũng tổ chức những đợt ra quân thu gom các loại rác thải nhựa trên sông Phú Lộc và ven bờ biển”. Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh hằng ngày phải thu gom, vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn để chôn lấp cũng như thất thoát ra môi trường và trôi ra biển, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê cho biết đang phối hợp với WWF tại Việt Nam triển khai mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại các chợ Tân An, Tân Lập, Quán Hộ, Chính Gián, Tam Thuận (quận Thanh Khê).
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Trừ cho rằng: “Đà Nẵng hiện có hơn 70 chợ truyền thống với khối lượng rác thải phát sinh hằng ngày rất lớn, trong đó chỉ có 2 loại rác chính là rác hữu cơ và các loại rác thải nhựa. Do vô tình hay hữu ý của tiểu thương, người dân..., một lượng lớn rác thải nhựa bị thải ra môi trường theo các dòng sông trôi ra biển. Các sinh vật biển bị nhiễm rác thải nhựa và con người cũng bị nhiễm vi nhựa. Sở Công Thương đã động viên, khuyến khích các tiểu thương giảm thiểu sử dụng túi ni-lon khi mua sắm tại các chợ. Còn theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2026, tất cả những loại túi ni-lon có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm thì bị cấm sản xuất và đến năm 2030 thì cấm sử dụng các loại túi ni-lon nên tiểu thương, hộ kinh doanh dịch vụ, người dân cần thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng túi ni-lon”.
Thu gom 13,43m3 rác từ các tàu, thuyền cập cảng Theo Báo cáo số 466/BC-STNMT ngày 8-6-2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2021, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã triển khai cho 1.075 chủ tàu cá ký cam kết nộp rác thải khi vào cảng cá Thọ Quang. Tổng khối lượng rác đã thu gom được từ 5.836 tàu thuyền cập cảng, xuất bến là 13,43m3 rác, chủ yếu là vỏ chai nhựa, túi ni-lon, vỏ hộp xốp đựng thực phẩm... Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề nghị các đơn vị duy trì công tác đổi rác lấy phiếu xuất bến và ứng dụng công nghệ thông tin như: quét mã QR, nhận diện khuôn mặt... nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. |
Nguồn: HOÀNG HIỆP- Báo điện tử Đà Nẵng
https://baodanang.vn/channel/5399/202210/giam-xa-rac-thai-nhua-ra-bien-3924667/