Bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Không quản gian khổ, hiểm nguy, lực lượng vũ trang tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã dồn sức cứu người và tài sản của nhân dân, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống người dân.
Bão số 3, mưa lũ khiến hàng trăm ha lúa, hoa mùa, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại
Theo thống kê sơ bộ từ Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, tính đến 7 giờ hôm nay (12-9), bão số 3, mưa lũ, sạt lở đất đã gây ngập úng gần 200.000ha lúa, hàng chục nghìn ha cây ăn quả, hoa màu ở các địa phương miền Bắc.
Thung lũng mận Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ngập sâu trong nước do ảnh hưởng của bão số 3. |
Tổng diện tích lúa bị ngập úng, thiệt hại là 195.929 ha lúa. Ngoài ra, các loại cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại; hiện đã có khoảng 22.237ha diện tích trồng cây ăn quả bị hư hại; 2.502 con gia súc, 1.523.345 con gia cầm bị chết. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. Đồng thời, bão, mưa lũ cũng gây ra khoảng 70 sự cố đê điều (tăng 45 sự cố so với báo cáo ngày 10-9) trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam và Nam Định. Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, trên các tuyến quốc lộ và cao tốc khu vực phía Bắc hiện còn 232 điểm bị tắc đường. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác ứng trực, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các vị trí nguy hiểm; bảo đảm thông đường trong thời gian sớm nhất. (NGUYỄN KIỂM)
Trạm 1 Cảnh sát biển giúp nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ khắc phục hậu quả bão số 3
Cùng với nhiều địa phương của thành phố Hải Phòng, huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng tan hoang trước sức tàn phá của bão số 3.
Trạm 1 Cảnh sát biển giúp nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ khắc phục hậu quả bão số 3. |
Ngay sau khi bão tan cho đến nay, ngoài việc khắc phục các công trình bị hư hại nặng nề tại đơn vị mình, Trạm 1 Cảnh sát biển (Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) đã huy động quân số cao nhất toả ra các khu dân cư để giúp nhân dân huyện đảo dọn dẹp, khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra. Cán bộ, chiến sĩ của Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo tiến hành dọn dẹp cây cối, cột điện bị đổ, gãy chắn ngang các trục đường bảo đảm giao thông thông suốt; giúp các hộ gia đình dọn dęp mái tôn bị gió bão thổi bay, sắp xếp lại đồ đạc, lợp lại mái nhà, chằng chống lại hệ thống mái hiên bị xô lệch do bão, cắt tỉa, vận chuyển cành cây bị gãy đổ vào nhà dân, tổng dọn vệ sinh khu vực trục đường giao thông chính của huyện gần 500m. (Tin, ảnh: MẠNH THƯỜNG)
Binh chủng Pháo binh huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Tiếp tục các hoạt động giúp địa phương khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, trong hai ngày 11 và 12-9, Binh chủng Pháo binh đã điều động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ triển khai công tác hỗ trợ nhân dân thu dọn và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Hiện tại, lực lượng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn đang tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan khắc phục sự cố sau bão trên địa bàn đóng quân. (Tin, ảnh: THIỆN NGUYỄN)
Đồn Biên phòng Na Loi huy động lực lượng khắc phục sạt lở trên địa bàn
Đồn Biên phòng Na Loi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn tổ chức khắc phục sạt lở đảm bảo giao thông trên địa bàn.
Các lực lượng phối hợp khắc phục đoạn sạt lở. |
Hiện nay, trên địa bàn xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có mưa to nên đã gây sạt tuyến đường từ bản Huồi Viêng vào trung tâm xã Đoọc Mạy, điểm sạt lở có chiều dài 12m. Do địa bàn phức tạp, phương tiện máy móc không thể khắc phục, nên Đồn Biên phòng Na Loi đã huy động lực lượng phối hợp với địa phương và các lực lượng nạo vét bùn đất, khắc phục thông tuyến giao thông. Đến 10 giờ trưa ngày 12-9 giao thông đã được đảm bảo. (Tin, ảnh: HẢI THƯỢNG)
Lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương phối hợp với các lực lượng khắc phục sự cố đê kè, cá chết
Ngày và đêm 11-9, mực nước sông Thái Bình dâng cao do nguồn nước từ thượng nguồn đổ về làm ảnh hưởng đến một số khu vực đê, kè trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 phối hợp với Ban CHQS thành phố Hải Dương khắc phục sự cố đê kè tại đường Nguyễn Gia Thiều, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương. |
Trước tình hình trên, Bộ CHQS tỉnh nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các cấp, ngành của địa phương, lực lượng công an và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 3 triển khai lực lượng, phương tiện, tiến hành kè đê bằng bao cát, đất. Cùng ngày, tại khu vực thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, do ảnh hưởng của mưa bão làm nguồn nước tại đây bị ô nhiễm, thiếu oxy dẫn đến cá lồng của một số hộ dân bị chết hàng loạt làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trước sự việc đó, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Tứ Kỳ huy động cao nhất lực lượng để giúp các hộ dân vớt cá chết, di dời lồng cá bảo đảm cho số cá còn lại được an toàn. Sau nhiều giờ khắc phục sự cố, các khu vực đê kè tại các địa phương và lồng cá cơ bản bảo đảm an toàn, góp phần ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn. (Tin, ảnh: MẠNH HÙNG)
Học viện Phòng không - Không quân: Giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim
Chiều tối 11-9, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước khu vực cống Quâng nối liền Sông Tích thuộc địa bàn phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội tiếp tục dâng cao, một số nơi nước đã tràn qua bờ cống, làm ngập hết hoa, màu, cây cối và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Cán bộ, học viên Học viện Phòng không-Không quân tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên, Học viện Phòng không - Không quân đã kịp thời huy động hàng trăm cán bộ, học viên nhanh chóng, khẩn trương cơ động lực lượng, phương tiện ra địa phương phối hợp với dân quân tự vệ, công an và nhân dân trên địa bàn khẩn trương tiến hành các biện pháp để gia cố, chống nước tràn qua, bảo vệ diện tích hoa màu cho nhân dân. (Tin, ảnh: MINH QUÂN)
Ưu tiên tặng quà Trung thu 2024 cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đề nghị các địa phương ưu tiên tặng quà Tết Trung thu 2024 đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái hỗ trợ đưa trẻ em vào đơn vị. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương quan tâm, chăm lo tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu một cách phù hợp trên cơ sở bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương, hình thức, đặc biệt ở những nơi bị ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt, thiên tai sau bão. Tuyệt đối không tổ chức sự kiện tập trung đông trẻ em và đông người, không an toàn tại nơi tổ chức sự kiện và trên đường di chuyển do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt; thay vào đó có thể tổ chức trực tuyến, trên truyền hình và gửi quà đến các cháu (nếu có điều kiện).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng lưu ý, tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” cho trẻ em; thông tin, cập nhật tình hình ảnh hưởng của bão, lũ lụt tại các địa phương, vận động sự chia sẻ, quyên góp, ủng hộ của trẻ em, gia đình và cộng đồng để trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt được sớm trở lại trường học và ổn định cuộc sống.
Trước đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có công văn số 3099/BLĐTBXH-CTE ngày 15-7-2024 về việc tổ chức Tết Trung thu năm 2024. (HÀ VŨ)