(TN&MT) - Trong một nghiên cứu toàn cầu về đêm Global at night do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thực hiện mới đây cho biết, ô nhiễm ánh sáng đang gây ra ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đặc biệt là với các loài động vật trên Trái đất.
Có thể nói, lâu nay, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tiếng ồn,... đều là những cụm từ khá quen thuộc và thường được nhắc đến. Trong khi đó, khái niệm ô nhiễm ánh sáng và các vấn đề về ô nhiễm ánh sáng ít được đề cập hơn. Tuy nhiên, dù thường xuyên đề cập hay không, hiện tượng ô nhiễm này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đặc biệt đối với các loài động vật trên Trái đất.
Ô nhiễm ánh sáng bắt nguồn từ các hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt,... trong đời sống của con người. Các tòa nhà từ thấp tới cao, từ nơi thiếu ánh sáng tự nhiên đến nơi thừa sáng vẫn sử dụng hệ thống đèn điện bật mở liên tục cả ban ngày tới tận đêm khuya; hoạt động của các trường học, khu phố, đường sá cũng tràn đầy ánh điện,...
Nhiều năm về trước, khi mà ánh điện còn xa xỉ với con người, vào những buổi tối, có thể dễ dàng nhìn thấy dải ngân hà trên bầu trời đêm. Thế nhưng gần đây, ngay cả trong những ngày trăng tròn cũng khó có thể nhìn rõ nét trăng và các vì sao vì sự lấn át của nguồn ánh sáng nhân tạo bao phủ trên bề mặt.
Trong khi đó, đặc điểm sinh sống của phần lớn các loài sinh vật trên Trái đất có liên quan mật thiết đến ánh sáng: Các loài chim di cư dựa vào ánh sáng tự nhiên để tìm đường, một số loài chỉ hoạt động vào buổi tối khi không có ánh sáng, cây quang hợp dựa vào yếu tố ánh sáng... Chính vì vậy, sự xuất hiện của các nguồn ánh sáng nhân tạo khác nhau gây nên sự nhiễu loạn đối với nhịp sinh học của các loài sinh vật cũng như gây mất cân bằng hệ sinh thái nói chung.
Ánh sáng làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp, có xu hướng rụng lá, tăng lượng khí CO2. Ánh sáng gây xáo trộn mối quan hệ giữa động vật ăn thịt - con mồi cũng như chu kỳ sinh sản của động vật hoang dã. Ánh sáng nhân tạo phát ra từ các đô thị thu hút hàng triệu côn trùng, làm mất nguồn thức ăn của các loài chim và phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên. Nhiều loài sinh vật biển dựa vào các tín hiệu tự nhiên như ánh sáng mặt trăng để định hướng vào ban đêm và tiến hành quá trình trao đổi chất, nhưng ô nhiễm ánh sáng ở các thành phố ven biển đã làm xáo trộn nhịp sinh học của chúng.
Một tổ chức bảo tồn rùa biển cho rằng: “Ánh sáng rực rỡ trong những khu nghỉ dưỡng gần bờ biển có thể gây hại cho rùa con khiến những con mới nở bị mất phương hướng và đi vào đất liền thay vì đi ra đại dương, chúng có thể bị chết bởi kiệt sức do mất nước hoặc làm mồi cho thú khác”.
Đối với các loài chim di cư, sự thu hút bởi ánh sáng từ các thành phố lớn đã khiến đường bay chệch hướng. Chỉ riêng, tại New York, mỗi năm, đã có khoảng từ 90.000 đến 230.000 chim di cư bị “giết” bởi các tấm kính từ các tòa nhà cao tầng.
Ẩn sâu dưới vẻ hào nhoáng của môi trường hiện đại, ô nhiễm ánh sáng đã tác động “âm thầm” đến con người, gây rối loạn thị lực, làm đông protein trong tế bào, phá hoại giấc ngủ, làm suy nhược cơ thể, là tác nhân đẩy nhanh con người tới các bệnh tim mạch và ung thư. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng chịu thiệt hại từ hành vi gây ô nhiễm ánh sáng của con người đã làm tiêu tốn nguồn năng lượng gốc cho sản xuất và lãng phí năng lượng sạch.
Nên chăng, đã đến lúc khẩn trương đưa ô nhiễm ánh sáng vào danh mục cảnh báo để nâng cao nhận thức bảo vệ các loài sinh vật, trong đó có con người. Và trong mối nguy về khí hậu hiện nay, tiết chế ánh sáng nhân tạo, tận dụng ánh sáng từ nguồn năng lượng tự nhiên không phát thải được xem là cứu cánh kìm hãm tốc độ gia tăng biến đổi khí hậu một cách thông minh nhất.
Nguồn: MÔI TRƯỜNG - Bùi Thảo
https://baotainguyenmoitruong.vn/o-nhiem-anh-sang-343703.html