Vì sao Đà Nẵng ngập 'chưa từng thấy'?

Vì sao Đà Nẵng ngập 'chưa từng thấy'?
Monday,
17/10/2022
Đăng bởi: CÔNG TY TNHH ĐỨC TRÂN

Chỉ trong 6 giờ mưa trên 500 mm, hệ thống thoát nước chưa tính đến điều này là nguyên nhân khiến TP Đà Nẵng ngập chưa từng có.

Ngày 14/10, mưa lớn do hoàn lưu trước bão Sơn Ca khiến cả 7 quận huyện của Đà Nẵng ngập 0,5-1,5 m, một số nơi ở quận Liên Chiểu ngập gần 2 m. Sáng hôm sau nước cơ bản rút hết, chỉ còn vài vùng trũng thấp ngập 0,5-1 m. Thành phố ghi nhận 4 người chết, gần 3.900 nhà ngập sâu, hơn 200.000 hộ dân mất điện.

Trong cuộc họp khắc phục hậu quả ngày 15/10, lãnh đạo thành phố đánh giá đây là trận mưa "lịch sử và chưa từng xảy ra". Cơ quan chuyên môn và các chuyên gia thời tiết, quy hoạch chỉ ra một số nguyên nhân lớn khiến Đà Nẵng ngập nặng.

Mưa đặc biệt lớn

Ghi nhận của cơ quan khí tượng, từ 7h ngày 14/10 đến 7h ngày 15/10 lượng mưa ở Suối Đá là 795 mm; trung tâm thành phố 630 mm; hồ Thạc Giám 590 mm. Các khu vực khác phổ biến 300-500 mm, tập trung khoảng 6 tiếng chiều tối 14/10. Lượng mưa một ngày đã vượt trung bình cả tháng 10 của Đà Nẵng (610 mm) và bằng 1/3 trung bình cả năm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đánh giá mưa trong 6 tiếng đến 500 mm là đặc biệt lớn. Nguyên nhân là áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Sơn Ca kết hợp với không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông trên cao. Đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung dễ gây mưa lớn khi không khí lạnh tràn về.

Địa hình Đà Nẵng độ dốc lớn, núi cao tập trung ở phía tây và tây bắc, đồng bằng ven biển ở phía đông. Bình thường mưa lớn, nước sẽ nhanh chóng đổ ra Biển Đông. Tuy nhiên, đêm qua triều cường từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó có TP Đà Nẵng, dâng cao, làm chậm quá trình thoát nước ra biển.

>>Đà Nẵng ngập một mét, nhiều người dân kêu cứu

Hệ thống thoát nước quá tải

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, nói lượng mưa như hai ngày qua vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước thành phố. Đà Nẵng đã đầu tư hệ thống thu gom nước thải ven Biển Đông từ Võ Nguyên Giáp đến Hồ Xuân Hương, tách nước thải và nước mưa riêng, nhưng cũng chỉ tính toán cho lượng mưa 100-200 mm/ngày.

Chung quan điểm, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết tính toán hệ thống thoát nước cho lượng mưa 100-200 mm/ngày là phổ biến của nhiều đô thị trên thế giới. Đà Nẵng ngập nặng do mưa lớn, nhưng hệ thống thoát nước đã phát huy vai trò. Thực tế sau đêm 14/10, đến sáng hôm sau nước gần như đã rút hết, chỉ còn một số khu rốn lũ chưa khớp nối hạ tầng thoát nước (đã có dự án).

Hai khu vực dân cư bị ngập nặng là ở quận Hải Châu và Thanh Khê. Ông Phong nói đây là những khu đô thị chắp vá, phát triển dựa trên đô thị cũ trước đây chứ không phải xây dựng mới hoàn toàn, hệ thống cống thoát nước hiện hữu không thể tải được lượng mưa lớn. Những vùng ngập sâu cốt nền thấp, nhưng thành phố không có điều kiện nâng cốt nền lên cao vì tốn kém.

Ông Phong nói thêm, bất lợi của thành phố trong đợt mưa này là trùng với triều cường. Khi thủy triều dâng cao hơn lượng nước trong cống, khiến nước mưa không thể thoát ra qua đường này. Hệ thống máy bơm hoạt động cũng không thể xử lý đẩy nước khi mưa 700 mm.

Nhóm sinh viên giúp người dân qua đường ngập sâu tại nút giao Xô Viết Nghệ Tĩnh - Lê Thanh Nghị, khuya 14/10. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhóm sinh viên giúp người dân qua đường ngập sâu tại nút giao Xô Viết Nghệ Tĩnh - Lê Thanh Nghị, khuya 14/10. Ảnh: Nguyễn Đông

>>Bốn người chết trong đêm mưa ngập ở Đà Nẵng

Đô thị hóa nhanh

Tiến sĩ Phạm Thành Hưng, giảng viên Khoa Xây dựng Công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), nói ngoài lý do mưa lớn cực đoan, nguyên nhân quan trọng khác là bêtông hóa đô thị ngày càng nhiều ở các thành phố lớn như Đà Nẵng. Bề mặt bê tông tăng đồng nghĩa diện tích đất thấm nước, chẳng hạn công viên, bị giảm xuống.

So sánh từ 2015 đến 2019, diện tích đô thị Đà Nẵng tăng từ 104,97 lên 106,3 km2 (tương đương 10,81 lên 10,92%), trong khi diện tích rừng giảm từ 716,2 xuống 715,4 km2 (từ 73,74 xuống 73,64%). Đô thị hóa kèm theo dân cư ngày càng tăng, lượng rác thải tăng theo, tiềm ẩn nguy cơ tắc hệ thống thoát nước vốn chủ yếu đang được vận hành thu gom chung nước mưa và nước thải sinh hoạt.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho rằng quy hoạch đô thị có trách nhiệm, nhưng không thể dành diện tích cho các mương, hồ chứa hay mở rộng lòng cống đáp ứng lượng mưa 700-800 mm, vì như thế phải bỏ ra số tiền rất lớn và không còn đất xây dựng hạ tầng, không gian khác. "Nếu lượng mưa tương tự xảy ra ở TP HCM hay Hà Nội thì phải vài ngày mới thoát hết", ông Phong nói.

Ông Phong đề xuất sử dụng thêm hồ điều tiết để ngăn bớt nước từ sân bay Đà Nẵng tràn về trung tâm thành phố. Như hôm 14/10, nước mưa từ sân bay (rộng khoảng 1.000 ha) tràn về theo bốn hướng. Những khu vực thấp trũng được xác định từ trước thì khi mưa lớn cần điều ngay lực lượng quân đội đến di dân.

Thiếu kinh nghiệm đối phó mưa lũ

Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, cho biết đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng đi cứu hộ ở 7 quận, huyện. Tuy nhiên, số cứu được chỉ được hơn 10 người. Lý do là trời tối, nước ngập sâu, xe thiết giáp gặp nước sâu một mét là không thể di chuyển.

"Qua lũ lịch sử này, chúng tôi rút kinh nghiệm và có hướng tham mưu cho lãnh đạo thành phố trang bị phương tiện đi kèm với xe ôtô, xe thiết giáp", ông Vinh nói. Xe cơ động đến nơi có người kêu cứu, nếu gặp nước lớn thì lực lượng cứu hộ sẽ đưa ca nô hoặc xuồng xuống tiếp tục chèo, kịp đưa nạn nhân ra xe đến nơi trú tránh, hoặc bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời.

Ôtô chết máy, nằm la liệt qua đêm 14/10 trên đường Lê Duẩn giữa trung tâm thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông

Ôtô chết máy, nằm la liệt qua đêm 14/10 trên đường Lê Duẩn giữa trung tâm thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông

Do địa hình cần cứu hộ ngập lụt chủ yếu ở các kiệt, hẻm nhỏ trung tâm thành phố, đại tá Vinh nói cần trang bị thuyền hơi để cơ động. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố sẽ tập huấn hàng năm cho lực lượng cứu nạn cứu hộ các kỹ năng sát với môi trường cứu hộ ngập lụt ở đô thị. "Bão thì ngồi trong xe thiết giáp an toàn để đi ứng cứu, nhưng lụt thì cần cơ động hơn", ông nói.

Ông Tô Văn Hùng cũng cho rằng hệ thống phương tiện cứu hộ hiện tại của thành phố chưa phù hợp với tình huống ngập lụt diện rộng và những nơi nước chảy xiết. Thành phố chắc chắn sẽ phải tính toán trang bị phương tiện cứu hộ phù hợp, trong đó đặt ra tình huống mất thông tin liên lạc như hôm qua, khi sóng bị gián đoạn, nhiều người hết pin điện thoại.

"Hình ảnh chiến sĩ quân đội, công an lội nước cứu dân là đáng ghi nhận, nhưng với cách làm hiện nay thì không thể kịp thời và tiềm ẩn rủi ro cho cả người đi cứu hộ và người cần cứu", ông Hùng nói.

Còn Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong thì cho biết, thành phố sẽ lấy dữ liệu từ trận mưa lịch sử với tần suất 100 năm mới có một lần này làm cơ sở để rà soát, đánh giá tổng thể khả năng chống chịu của đô thị, từ đó, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp cho tương lai.

Ngoài xây dựng hệ thống cảnh báo, hạ tầng, quy hoạch đô thị liên quan đến nhiều ngành, thì người dân cũng phải tăng cường khả năng thích ứng với mưa ngập. "Đây cũng là bài học cho thành phố khi làm những khu đô thị mới ở Hoà Vang và các khu vực còn lại", ông Phong nhấn mạnh.

Nguồn: Nguyễn Đông - Gia Chính

https://vnexpress.net/vi-sao-da-nang-ngap-chua-tung-thay-4523918.html

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Zalo
Hotline
Công Ty TNHH Đức Trân